Cúc Phương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường

Là xã có trên 80% đồng bào dân tộc Mường với nhiều nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ, xã Cúc Phương (Nho Quan) đã và đang nỗ lực khôi phục, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường.Buổi-tập-luyện- của-lạc-bộ


Đến Nhà văn hóa thôn Nga 3 vào dịp Đội chiêng của thôn đang tập luyện, chuẩn bị cho buổi biểu diễn nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Ông Đinh Văn Định, Chủ nhiệm CLB bản sắc văn hóa Mường của thôn cho biết, ngày xưa, khi tiếng chiêng vang lên là báo hiệu một niềm vui, một sự kiện lớn của thôn, của làng. Tiếng chiêng âm vang trong mỗi bản làng, trở thành âm thanh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với tâm hồn và đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Mường. Trong những ngày Tết cổ truyền, lễ hội đầu xuân, ngày vui của bản, làng, dòng họ hay những chương trình văn hóa, văn nghệ… của đồng bào Mường nơi đây đều không thể thiếu những âm thanh trầm bổng, ngân vang của chiêng. Hiện Đội chiêng có gần chục thành viên, tất cả đều say mê, hứng thú với việc tập luyện và biểu diễn. Tin rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Mường sẽ được khôi phục, bảo tồn và phát huy trong mỗi người dân và cộng đồng.
Chị Đinh Thị Tuyết, thôn Bãi Cả, thành viên CLB hát giao duyên tiếng Mường cho biết, CLB của thôn Bãi Cả có hơn chục thành viên, là những chị em phụ nữ của thôn, yêu thích tiếng hát, điệu múa dân tộc mình, tập hợp nhau lại tập luyện và biểu diễn tại các hội làng, xã và theo yêu cầu của khách du lịch. Trong các chương trình hoạt động dịp lễ, Tết, CLB tổ chức hát, múa biểu diễn phục vụ bà con trong thôn và giao lưu với các đội, nhóm khác trong làng, xã, trong và ngoài tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa. Hiện đội hát, múa của chị Tuyết cũng thường xuyên đi biểu diễn cho khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường tại các khu du lịch, các sự kiện khánh thành, kỷ niệm của các nhà hàng, khách sạn, các Resort - khu nghỉ dưỡng, nghỉ mát… 
Đặc biệt, ý thức được việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, các chị em trong CLB cũng tích cực khuyến khích, vận động con, cháu và truyền dạy những điệu múa, bài hát cho thế hệ trẻ nhằm lưu giữ lại nét văn hóa của cha ông. “Điều may mắn là thế hệ trẻ rất thích thú và nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động này. Các cháu đã tích cực tham gia các buổi tập luyện cùng bà, cùng mẹ. Đặc biệt, các cháu không chỉ học thuộc các điệu múa, bài hát truyền thống bằng tiếng Mường, mà còn biết sáng tạo trong việc hát láy, hát luyến những bài hát lời bằng tiếng Mường sang tiếng Kinh để du khách, người nghe có thể hiểu hơn về nội dung, ý nghĩa của bài hát, tạo hứng thú cho người nghe, người xem…” – chị Đinh Thị Tuyết cho biết thêm.
Theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, người Mường ở Cúc Phương hiện nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc như hát giao duyên, hát sắc bùa, ném còn, hát đúm, đánh mảng, biểu diễn cồng chiêng… Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xã Cúc Phương đã tham mưu và cùng với các cấp, các ngành có những giải pháp tích cực. Theo đó, huyện Nho Quan đã hỗ trợ kinh phí khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường, mua sắm thêm một số dụng cụ như cồng, chiêng, nỏ; hỗ trợ, động viên các CLB thành lập và đi vào hoạt động nề nếp… 
Hiện 10/10 thôn, bản của xã Cúc Phương đều đã thành lập được CLB, tùy vào thế mạnh của mình mà các CLB tập trung vào hình thức biểu diễn loại hình văn hóa khác nhau, trong đó tập trung vào các loại hình truyền thống của người Mường như các CLB: Hát, múa giao duyên tiếng Mường; ném còn; đánh mảng, biểu diễn cồng chiêng… Các CLB thường tổ chức sinh hoạt 2 lần/tháng, nguồn kinh phí được đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Trong các buổi sinh hoạt ngoài tập luyện, thống nhất với nhau về cách biểu diễn, sử dụng các loại hình văn hóa đã và đang được khôi phục; những thành viên trong CLB còn ý thức trách nhiệm bằng việc tích cực truyền dạy cho các thế hệ sau – những thanh niên, thế hệ trẻ trong thôn, trong bản có niềm yêu thích học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Xã cũng đã thành lập CLB “Hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương”. CLB hiện có trên 50 thành viên, là nơi hội tụ các hạt nhân tiêu biểu trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sáng tạo nghệ thuật; tiếp thu tinh hoa văn hóa tiên tiến, tổ chức tập luyện và biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa văn nghệ của nhân dân tại cơ sở. CLB được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, tại Nhà văn hóa thôn Bãi Cả. CLB có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm về phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường; tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ cho hội viên CLB; tổ chức, tham gia các chương trình giao lưu trong và ngoài CLB nhằm tái hiện lại những bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Mường…
Theo ông Đinh Quốc Toản, Chủ nhiệm CLB “Hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương”, điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí hoạt động. CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên các thành viên phải tự chuẩn bị trang phục, đạo cụ biểu diễn truyền thống. Trong khi các khoản chi phí phục vụ tập luyện và biểu diễn của CLB như thuê, mua trang phục, đạo cụ....và các khoản chi khác gặp khó khăn do nguồn kinh phí không có. Các thành viên cũng đã tự nguyện đóng quỹ ban đầu để sinh hoạt, CLB cũng tích cực kêu gọi, vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ… nhưng việc mua sắm đồng bộ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ chưa thể thực hiện được. Để từng bước khắc phục những khó khăn, CLB đã và đang nỗ lực tập luyện, liên hệ biểu diễn tại các chương trình lễ hội, kỷ niệm, khai trương… nhằm bổ sung thêm nguồn kinh phí mua sắm cơ sở vật chất và duy trì hoạt động của CLB.

Comments