Người Mường Cúc Phương (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thuộc nhóm “Mường ngoài”, có nhiều nét phong tục, tập quán khác với người “Mường giữa” ở Thanh Hóa và “Mường tang” ở Hòa Bình. Bản Mường giờ thành thôn, xã; đường bê tông về đến tận chân nhà sàn nhưng bên cạnh những tiện nghi của cuộc sống mới, dấu ấn bản Mường xưa vẫn còn lại trong trong sắc váy thổ cẩm dập dìu, tiếng hát đúm, hát giao duyên lảnh lót, tiếng chiêng trầm trầm ngân vang mỗi dịp Tết đến, xuân về…
Điệu múa sênh tiền của người Mường
Mỗi năm 3 cái Tết
Đến bản người Mường nằm bên rừng quốc gia Cúc Phương, du khách có thể “trốn” khỏi không khí náo nhiệt Tết thị thành chỉ sau hơn một giờ đi xe ô tô từ thành phố Ninh Bình.
Đi theo một cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Nho Quan, tôi được biết Cúc Phương chỉ có hơn 3000 dân trên diện tích xã rộng tới 13 ngàn km2. Năm 1988, hơn 80 hộ dân của xã đã chuyển từ trong lõi rừng Cúc Phương ra ven rừng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu rừng nguyên sinh được xây dựng thành khu bảo tồn đầu tiên ở Việt Nam. Các nhà trong xóm đa phần mới được dựng lên chưa đầy 30 năm nên chỉ là những ngôi nhà mái ngói nhỏ bé nằm quây quần hai bên trục đường chính, nhà sàn còn vài cái để làm nhà văn hóa thôn.
Bà cụ Đinh Thị Dung, năm nay đã hơn 70 tuổi là một trong những người Mường chấp nhận rời bỏ bản làng cũ để giữ vẹn nguyên vẻ hoang sơ của rừng. Gương mặt răn reo, mắt mờ, lưng còng rạp nhưng bà vẫn còn minh mẫn. Bà cụ mang họ Đinh đặc trưng của người Mường vẫn nhớ và sống theo những tập quán xa xưa mà ông cha đã truyền lại.
Hỏi chuyện Tết, bà bảo người Mường có tục mừng năm mới tới 3 lần. Lần thứ nhất là ăn Tết Nguyên đán giống như người Kinh; sau đó là “ăn Tết lại”, thường vào dịp từ mùng 1 - 7 tháng Giêng; sau cùng lại có thêm “Tết vua”, quãng từ mùng 10 - 15 tháng Giêng. Phải xong xuôi ngày “Tết vua”, các gia đình người Mường mới hạ cây nêu, coi như hết Tết.
Những cao niên trong làng kể rằng Tết xưa của người Mường Cúc Phương không chỉ kéo dài hơn mà còn bắt đầu sớm hơn Tết ngày nay. Từ 25 tháng Chạp âm lịch, việc đồng áng đã thư thả, dân bản tụ tập ở một nhà nào đó để đánh chiêng. Số lượng chiêng nhà có nhiều nhà có ít, nhưng thông thường nhà nào cũng ít nhất một người tham gia vào “dàn nhạc” ngẫu hứng này. Người nghệ sĩ nông dân cầm chiếc dùi gỗ bọc bằng da hoặc vải, đánh vào mặt chiêng theo một “thỏa thuận ngầm” của dàn chiêng đủ cỡ to nhỏ. “Thường đánh chiêng phải đánh từ bé đến to, chiêng bé nhất đánh đầu tiên, rồi sau đánh chiêng to dần, to dần. Càng về sau càng dồn tiếng của nhiều chiêng lớn, về cuối tiếng của 2 – 3 chiêng ập lại với nhau”, cụ Dung miêu tả.
Một tục lệ thú vị của người Mường ven rừng Cúc Phương là ngày mùng Một tết thì ai ai cũng phải về “nhà gốc”, là nơi cha mẹ đang ở. Con gái đã đi lấy chồng hay con trai đã ra ở riêng phải mang các món ngon đến thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, sau 3 – 5 hay có khi tới 7 tuần hương sẽ hạ lễ xuống biếu cha mẹ.
Cũng trong ngày này, người Mường có tục đến chúc tết thầy thuốc như chúc tết cha mẹ, vì quan niệm xa xưa cho rằng người có công cứu mình “hồi sinh”, thoát khỏi một căn bệnh nào đó cũng giống như cha mẹ. Giờ đây điều kiện y tế ở bản Mường đã phát triển, vai trò của các “thầy lang” không còn quan trọng như xưa, có lẽ vì thế tục lệ này cũng đang phai lạt dần.
Comments
Post a Comment