Người Mường ở Nho Quan (Ninh Bình) phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc


Vào những ngày chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp về Nho Quan, nơi có chiến khu Quỳnh Lưu với những chiến công vang dội từ phá kho thóc của Nhật, phục kích tiêu diệt giặc làm thất bại nhiều cuộc càn lớn trong kháng chiến chống Nhật, Pháp, đến khởi nghĩa giành chính quyền từ vùng núi rừng chuyển về đồng bằng giải phóng toàn tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường, những người đã có nhiều đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi của dân tộc, góp phần cùng nhân dân cả nước giành độc lập, tự do, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Buổi tập luyện của câu lạc bộ hát tiếng mường cúc phương

Trên các nẻo đường từ Rịa đến Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương đều rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, biểu ngữ chào mừng ngày Quốc khánh, chào mừng Đại hội đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ XXV vừa kết thúc với thành tích xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đồng thời đề ra nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mường. 
Con đường chạy qua núi chùa Bái Đính uốn mình theo các sườn đồi về tận Kỳ Phú, Cúc Phương mới được hoàn thành, tạo thuận lợi cho đồng bào trong giao thông, sinh hoạt và sản xuất. Ngay tại khu Trung tâm xã Cúc Phương đang mọc lên những ngôi nhà sàn gỗ, xung quanh là núi rừng hùng vĩ, là nơi giao lưu văn hoá, hội họp và liên hoan ca nhạc cồng chiêng truyền thống hàng năm. Tại xã Kỳ Phú, nơi có Trung tâm cụm xã được xây dựng theo chương trình 135 của Chính Phủ có Trụ sở UBND, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá xã, hội trường và phòng học tập cộng đồng trang bị máy vi tính cho người dân đến truy cập tin tức, kiến thức khoa học, văn bản pháp luật... Đường vào nhiều thôn, bản như bản Sấm, thôn Nga 2 ở Cúc Phương, bản Mét (Kỳ Phú) đã trải bê tông đẹp đẽ. Nhiều ngôi nhà sàn mới, cả nhà 2 tầng mọc lên trên những bản làng đổi mới...
Được biết, sau 5 năm của nhiệm kỳ đại hội Đảng, đời sống của đồng bào dân tộc Mường đã được cải thiện nhiều. Từ chỗ các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình đều có tỷ lệ hộ nghèo từ 35-40% trong tổng số hộ, đến năm 2010, đã giảm xuống còn từ 12-14%. Trong số hơn 700 ngôi nhà của các gia đình nghèo, gia đình chính sách mới được cộng đồng chung tay hỗ trợ xây dựng và sửa chữa, có hơn 100 nhà của đồng bào dân tộc tại các bản làng heo hút trước đây. Không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều gia đình học tập từ chương trình khuyến nông, học ngay từ các mô hình làm kinh tế của ông bí thư, ông chủ tịch xã và cán bộ thôn để làm kinh tế cho mình. Các mô hình trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi các loại con đặc sản như nhím, hươu, thỏ, dê, lợn rừng, lợn siêu nạc... đang phát triển mạnh. Riêng Cúc Phương đã có hơn 100 gia đình nuôi hươu lấy nhung, hơn 400 gia đình các xã Cúc Phương, Kỳ Phú nuôi nhím, có hàng trăm gia đình đạt mức thu nhập từ 100 triệu/năm trở lên từ các mô hình trên. Việc chuyển đổi rừng ít xung yếu sang xây dựng rừng kinh tế, giao khoán cho gia đình đã tạo điều kiện cho người dân nơi đây có thêm nguồn lợi, thêm gắn bó với rừng. Ông Đinh Huy Láng, Bí thư đảng uỷ xã Kỳ Phú cũng là người dân tộc Mường cho biết: Đảng bộ và chính quyền đã quan tâm đến mọi đối tượng, hộ nghèo; phối hợp với các cơ quan khuyến nông, lâm cử cán bộ đến tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật giúp vay vốn để hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Người Mường ở Nho Quan có hơn 12.000 người, chiếm 15% dân số toàn huyện, sống tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác ở 6 xã khác như Quảng Lạc, Thạch Bình, Xích Thổ, Quỳnh Lưu... Có 4 nhóm người là Mường Vang, Mường Rậm, Mường Bơ và Mường Kỳ Lão tạo nên sự đa dạng về văn hoá, phong tục, tập quán, bổ sung cho nhau những nét đẹp trong văn hoá truyền thống. Đồng thời mỗi làng bản lại có những nét đặc trưng về văn hoá như cấu trúc làng bản, trang phục, tiếng nói, vật dụng, ẩm thực và các thủ tục ma chay, cưới hỏi, dân ca hay tổ chức tế lễ....nhưng đều giống nhau ở nét văn hoá cộng đồng, tạo mọi điều kiện giúp nhau cùng phát triển. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đảng bộ và chính quyền Nho Quan cùng các xã thôn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc Mường thực hiện, phát huy những nét hay trong vốn cổ, đồng thời xoá bỏ các hủ tục làm mất vệ sinh môi trường, mê tín dị đoan như nhiều năm trước. Đội văn nghệ dân tộc Mường thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương đã được thành lập, mang lời ca tiếng hát của dân tộc mình giới thiệu với khán giả trong nước và quốc tế được nhiều người yêu mến. Trong những ngày lễ, tết, khắp bản làng rộn rã câu hát, lời ca, đặc biệt là tục ném còn ngày xuân, hát câu sắc bùa, hát giao duyên, đi cà kheo, bắn nỏ tạo nét riêng của văn hoá Mường. Những năm trước đây, nhiều thanh niên trẻ không tha thiết với văn hoá của dân tộc mình, do bị lôi cuốn vào lối sống hiện đại, nay đang trở lại hoà nhập với văn hoá cộng đồng dân tộc.
Huyện Nho Quan tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc Mường phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đặc biệt giúp lớp trẻ học những lời ca, tiếng hát bằng tiếng dân tộc, giữ nét đẹp truyền thống trong phong tục tập quán, lối sống, không để thời gian làm phai nhạt./.
                          BT: thanh MTV

Comments

  1. Glog đang trong quá trình xây dựng nên có một số lỗi mong bạn đọc bỏ qua

    ReplyDelete

Post a Comment